Chưởng Môn thái lý phật việt nam
thầy Huỳnh chí dân
“Tôi ráng giữ gìn những điều đúng đắn mà có bỏ
tiền cũng không mua được. Có như thế thì thế
hệ sau mới biết trân trọng thời gian và công sức
tập luyện, không đòi hỏi tư lợi, chỉ có sự kiên trì”
Huỳnh Chí Dân (1962) là đệ tử chân truyền của cố lão võ sư Đặng Tây, nay là Chưởng Môn phái Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật và Lãnh Đạo Đoàn của Đoàn Lân Sư Rồng Thắng Nghĩa. Ông sinh trưởng trong gia đình người Hoa (gốc Quảng Đông, TQ) có đông anh chị em ở mảnh đất Sài Gòn xưa, nay là Thành Phố Hồ Chí Minh.
Thuở nhỏ, do gia cảnh bần hàn lại đông anh chị em nên cuộc sống rất khó khăn và thiếu thốn. Ông phải ra đời bươn chải phụ giúp cha mẹ về kinh tế cũng như chăm lo các em cho cha mẹ yên tâm đi làm. Do đó, từ trong con người cậu bé ấy đã sớm hình thành tính cách chín chắn, kiên cường, trách nhiệm đồng thời cũng tôi luyện cho cậu một ý chí cầu tiến cao độ và tinh thần vượt qua khó khăn trong mọi hoàn cảnh.
Lúc bấy giờ, xã hội loạn lạc thời thế rối loạn bất định, những gì cậu thấy được là kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu, nhà giàu ức hiếp nhà nghèo… Cho nên cậu đặc biệt say mê và kính trọng những nhân vật hảo hán hào hiệp trượng nghĩa mà cậu đã được nghe qua lời kể chuyện hàng đêm từ cha cậu – ông Huỳnh Quyên sau khi cả nhà ăn cơm tối xong. Các chuyện hào hùng nào là “Quan Vân Trường qua ngũ quan, trảm lục tướng “, nào là “Hán Cao Tổ Lưu Bang hào khí xung thiên” và còn “Hoàng Phi Hồng y võ song toàn hành hiệp trượng nghĩa”,…… Với sự tiếp thu văn hóa và lịch sử Trung Hoa từ người cha, theo năm tháng cậu bé ấy không biết từ khi nào đã xây dựng tinh thần lưu giữ truyền thống văn hóa dân tộc và có tình yêu mãnh liệt với võ thuật cũng như y học. Ông lấy hình tượng Hoàng Phi Hồng để làm kim chỉ nam cho việc nỗ lực không ngừng để sau này trở thành nhất đại tông sư tinh thông y lý và võ thuật.
Thấy được sự chững chạc và tình yêu võ thuật từ cậu con trai, cha ông tuy hoàn cảnh lúc ấy cực kỳ khó khăn nhưng cũng cố gắng dẫn ông đến bái cố lão võ sư Lai Phát – một cao thủ Khách Gia Quyền có danh vọng và nổitiếng văn võ song toàn. Một lần nữa, từ hình tượng vị sư phụ đầu tiên đã ảnh hưởng sâu sắc đến nhận thức của cậu. Đối với cậu, y võ vẫn chưa đủ mà phải văn võ y toàn tài mới thực sự là mẫu người lý tưởng với mục tiêu kế tiếp cậu đề ra. Do tư chất thông minh, tính tình điềm đạm, tôn sư trọng đạo, cậu bé Huỳnh Chí Dân được sư phụ Lai Phát hết mực yêu thương và tận tâm giảng dạy. Tuy nhiên, không lâu sau đó, sư phụ Lai Phát do tuổi già sức yếu đã qua đời, để lại sự tiếc thương vô tận cho cậu bé Chí Dân đã sớm xem ông như cha và lòng đầy chán chường. Tuy nhiên, niềm đam mê đối với võ thuật và ước mơ trở thành sư phụ với văn võ y toàn tài không lúc nào tắc trong tâm cậu bé.
Trong thời gian đó, ngoài việc phụ giúp cha mẹ bươn chải cuộc sống, ông không ngừng tự tập luyện thông qua các cuốn sách cũ nói về võ thuật như “Thiếu Lâm thất thập nhị huyền công”, “Thiếu Lâm bí truyền”,… cho nên cậu cũng sớm gặt hái được thành công nhất định trong võ học. Cậu đã có thể sử dụng tay không công phá dừa, dùng ống quyển công phá dừa thông qua cách tập luyện từ những cuốn sách ấy từ khi còn rất trẻ. Đây là cũng tiền đề không nhỏ tạo thuật lợi cho việc khổ luyện Thái Lý Phật sau này của cậu với ân sư Đặng Tây.
Năm 16 tuổi, cậu bé Huỳnh Chí Dân đã là một thiếu niên cao to khỏe mạnh. Một hôm, khi đi xem hát với bạn bè, anh thấy có kẻ ác bá ra tay ăn hiếp bà lão. Lúc đó với tuổi trẻ nhiệt huyết, khí phách nam nhi không cho phép anh đứng ngoài làm ngơ. Anh định nhảy vào giải vây cho bà lão nhưng đã có vị tiền bối tuổi trạc ngũ tuần nhanh tay xuất thủ hạ gục gã ác bá và quay lưng bỏ đi nhanh đến nỗi anh không thể thấy rõ chiêu thức và mặt mũi của vị tiền bố đó. Những gì đọng lại trong ký ức anh là vị sư phụ trượng nghĩa với bộ trang phục Trung Hoa màu đen cùng nón vành đội lệch. Từ đó, hình ảnh nghĩa hiệp bước đi hiên ngang đầy khí phách anh hùng và có tính gì đó tự tại “Độc hành” luôn hiện lên trong đầu của anh. Anh từng nói với người anh “Từ nay sẽ không bái ai làm thầy nữa trừ khi có vị cao nhân nào xuất một quyền là có thể hạ gục đối phương và tràn đầy hào khí như vị tiền bối ấy”.
Một hôm, trong lúc cậu đang tập luyện võ công tại nhà thì anh trai của cậu chạy đến báo rằng: “Chí Dân ơi, người mà em tìm bấy lâu nay đã xuất hiện. Khi giao đấu với vị sư phụ này đánh cũng chết mà không đánh cũng chết”. Phần vì tò mò, phần vì nể anh mình, cậu đã nhận lời theo anh đến gặp vị tiền bối ấy. Khi vừa bước chân đến nhà vị sư phụ, hình ảnh đập vào mắt anh là người thầy với khí chất hiên ngang, cũng mặc bộ trang phục với nón đội lệch tương tự của vị cao nhân kia. Trong lòng cậu bỗng nỗi lên cảm xúc thân quen khó tả. Ngay sau khi thử chiêu với sư phụ, cậu đã dám chắc đích thị là vị tiền bối lúc trước với chiêu thức nhanh gọn khiến kẻ địch bị hạ trong nháy mắt. Từ đó, mối tình thầy trò đã trở thành mối giai thoại trong giới võ lâm Sài Gòn – Chợ Lớn về tình thầy trò lúc bấy giờ (chu cấp và chăm lo sư phụ đến lúc lâm chung). Với sự chỉ dạy tận tình cùng với năng khiếu bẩm sinh anh đã sớm lĩnh hội tất cả những tuyệt kỹ từ thầy và thay thầy giảng dạy học trò khi tuổi đời mới bước qua tuổi đôi mươi.
Có một lần xém bị thương con mắt khi đang tập luyện với sư phụ ông đã lĩnh hội tinh túy cách phát kình đầy cao thâm của môn phái Thái Lý Phật. Sau này, kết hợp với kiến thức y học của mình ông đã đúc kết ra công thức “Quyền= Lực + Nhanh+ chuẩn xác”.
Ngoài ra, còn có lý luận yếu tố để trở thành người luyện võ thành công:
“Võ thuật =Thời gian + Tiền bạc + Đam mê”.Ông ngoài tập luyện các bài quyền pháp và có sở thích sưu tầm các bài quyền (đã sưu tầm hơn trăm bài quyền pháp Thái Lý Phật), ông còn đặc biệt chú trọng rèn luyện công lực với thạch tỏa, thiết hoàn, đánh mây… để gia tăng nội lực cũng như nâng cao khả năng thực chiến linh hoạt. Do có biểu hiện xuất sắc và đặc biệt kính trọng sư phụ, cho nên ông đã được thầy tin tưởng giao chức lãnh đạo Đoàn, thay thầy giảng dạy và điều hành Đoàn lân khi mới 26 tuổi. Khi Cố Lão Võ Sư Đặng Tây mất năm 2004, ông đã chính thức chấp chưởng chức vụ Chưởng Môn Phái Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật Đoàn Lân Sư Rồng Thắng Nghĩa với sự chứng kiến và ủng hộ của đông đảo đồng môn sư huynh đệ ngay trong tang lễ sư phụ.
Ngoài việc gặt hái được nhiều thành tựu võ thuật khi còn rất trẻ, ông còn là một nhà danh y có tiếng chuyên trị trật đả, gãy xương, hành nghề khi vừa bước qua tuổi 20. Với sự am hiểu về cơ thể người thông qua nghiên cứu sách y cũng như thông qua việc luyện võ, ông không ngừng nâng cấp, thay đổi các phương pháp trị liệu không hợp lý và không ngừng thêm bớt bào chế thuốc mong sao khi áp dụng vào trị bệnh sẽ nhận được kết quả cao nhất. Đến nay, ông đã vinh dự được bầu chọn làm thành viên ban chấp hành của Hội Đông Y Quận 5 từ năm 1998 cho đến nay với 5 nhiệm kỳ hoạt động liên tục. Có thể nói ông là người đầu tiên đặt nền móng cho sự phát triển khoa xương trong dòng tộc. Rất nhiều anh em đã theo ông hành y và đặc biệt là con trai út của ông đang theo học khoa xương tại đại học Y Bắc Kinh.
Đương nhiên với tư tưởng Văn Võ Y đã hình thành từ sớm trong ông, đối với văn học ông cũng có không ít tâm đắc như “lịch sử phát triển Hồng Thắng Quán Singapore” và một trong những tác phẫm tâm đắc nhất là câu đối ông tặng sư phụ khi bái sư.
Nam Quyền Bắc Cước Tẩu Giang Hồ
Thắng Đắc Nghĩa Khí Đối Võ Lâm
Cuối năm 2015, ông thành lập ban trị sự Thắng Nghĩa Đường với sự ủng hộ từ các sư huynh đệ nhằm mục đích thực hiện tôn chỉ của sư phụ để lại với tinh thần “Nghĩa Bất hậu Nhân”. Với tư tưởng đó, ông không ngừng đào tạo và giảng dạy học sinh ngoài học võ phải trau dồi thêm văn cũng như rèn luyện đạo đức để sau này trở thành người có ích cho xã hội. Ông đã tổ chức lễ trao học bổng thường niên nhằm khuyến khích tinh thần học tập của các em môn sinh, tổ chức thi đấu võ thuật để kích thích tinh thần khổ luyện võ thuật của các em. Ngoài ra với việc tổ chức trao tiền từ thiện để ủng hộ các cơ sở y tế, các trại mồ côi hoặc người già có hoàn cảnh neo đơn, ông muốn thông qua những hành động nhỏ này để làm gương cho thế hệ mai sau theo ông tiếp tục duy trì làm việc có ích cho xã hội cũng như làm theo truyền thống văn hóa Trung Hoa “kính trên nhường dưới”.
Đến đầu năm 2017, ông chính thức thu nhận 9 vị nhập môn đệ tử với tên gọi “Thắng Nghĩa Cửu Văn”. Ông mong muốn thông qua việc thu nhận nhập thức đệ tử một lần nữa truyền lại truyền thống văn hóa Trung Hoa xưa cho thế hệ mai sau. Buổi lễ diễn ra long trọng, trang nghiêm với đầy đủ nghi thức như châm trà, thí tên (ban tên hiệu cho từng đệ tử dựa trên biểu trưng của họ), tặng giấy chứng nhận, ban ấn…. Ngoài ra, hy vọng với 9 đồ đệ nhập môn này sẽ chung tay xây dựng Thắng nghĩa Đường cũng như môn phái Thái Lý Phật ngày càng phát dương quang đại.
Tháng 8/2018, tâm huyết nhiều năm trù bị, tích góp cũng như vận động sự chung tay góp sức từ phía gia đình, đồng môn, bạn bè, ông đã chính thức thành lập tổ quán đầu tiên của môn phái Thái Lý Phật tại Việt Nam với danh xưng “Thắng Nghĩa Tổ Quán”. Hai pho tượng đồng của Thắng Nghĩa lập tổ Đặng Tây và sư phụ ông – Bắc Thắng sáng tổ “Thần Thủ Đàm Tam” được đặt ngay chánh điện đầy trang nghiêm để hậu thế cúng bái và cung phụng.