Họ và tên: Huỳnh Thục Hằng
Tiếng Hoa: 黃淑姮
Hiệu: Nguyệt Anh – 月瑛
Năm sinh: 1989
Nguyên quán: Quảng Đông – Trung Quốc
Sư phụ: Huỳnh Chí Dân
Hồng Thắng: Đời thứ VI
Bắc Thắng: Đời thứ IV
Chức vụ: Trưởng ban văn hóa truyền thông đoàn LSR Thắng Nghĩa Đường

Đại diện “Thắng Nghĩa Tổ Quán” tham gia Chương trình ra mắt sản phẩm du lịch trên địa bàn Quận 11 năm 2022 – “QUẬN 11 – CÓ MỘT CHỢ LỚN RẤT KHÁC”

Làm MC trong đêm diễn kỷ niệm 40 năm của Đoàn LSR Thắng Nghĩa Đường – “VĂN HÓA CHI DẠ”

Tham gia biểu diễn trong tiết mục ” TƯỜNG LONG PHI VŨ” trong đêm diễn “VĂN HÓA CHI DẠ” năm 2019

Huỳnh Thục Hằng (1989) – hiệu Nguyệt Anh, là con gái duy nhất của võ sư Huỳnh Chí Dân – Chưởng môn phái Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật – Tổng lãnh đạo đoàn lân sư rồng Thắng Nghĩa Đường. 

Từ nhỏ, cùng với anh và em trai, cô đã theo đoàn tham gia biểu diễn nhiều nơi, nổi bật với tiết mục “đứng một chân trồng ba người”, đánh Tiểu Hồng Quyền, biểu diễn thương thuật. Lớn hơn, vì niềm đam mê và yêu thích âm nhạc và điện ảnh Đài Loan và Hàn Quốc, cô dần làm quen với tiếng Trung và tiếng Hàn. Có lẽ, đây cũng chính là tiền đề quan trọng cho hành trình đi tìm con đường dành riêng cho mình của cô gái trẻ. 

Năm 2008, sau khi phân vân giữa rất nhiều sự lựa chọn về ngành học, Thục Hằng quyết định du học ngành Ngôn ngữ Trung Quốc tại Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh (Trung Quốc). Quyết định này dựa trên niềm kỳ vọng của cha – mong muốn con mình có thể học hỏi về truyền thống, ngôn ngữ và văn hoá Trung Hoa – vốn được xem là “quê cha đất tổ”, đồng thời cũng thoả mãn ước mơ “nghiên cứu sâu hơn về tiếng Trung” của chính bản thân cô. Với vốn ngôn ngữ tiếng Trung khá dày dặn mà cô tự trau dồi từ thời niên thiếu ở Việt Nam, việc hoà nhập và thích nghi khi du học trở nên dễ dàng hơn. Thục Hằng học vượt và hoàn thành chương trình học cử nhân Ngôn ngữ Trung Quốc tại Bắc Kinh chỉ trong 3 năm rưỡi (thay vì 5 năm). Ngoài ra, mỗi năm cô đều nhận được học bổng của trường Đại học dành cho sinh viên có thành tích học tập xuất sắc. 

Khi được hỏi về bản sắc của mình, Thục Hằng chia sẻ, có thể gói gọn trong hai từ là “trách nhiệm” và “nguyên tắc”, theo đó, “trách nhiệm đó là góp sức phát triển Thắng Nghĩa Đường, một khi đã nhận nhiệm vụ thì phải hoàn thành tốt nhất có thể” và “nguyên tắc tức là khi bắt tay vào công việc phải làm đàng hoàng và thật sự nghiêm túc”. 

Có lẽ chính tinh thần làm việc nghiêm cẩn và cầu thị như vậy đã giúp cô lần lượt hoàn thành các nhiệm vụ được giao và tiến bộ, hoàn thiện hơn từng ngày. Với vốn kiến thức sâu về ngôn ngữ Trung, Thục Hằng dần dần áp dụng một cách thuần thục vào các công việc tại Thắng Nghĩa Đường. Đảm nhiệm vị trí MC cho nhiều chương trình lớn nhỏ của đoàn, đặc biệt là MC tiếng Trung cho chương trình biểu diễn “Văn hoá chi dạ” – Kỷ niệm 40 năm thành lập Thắng Nghĩa Đường, cô đã phát huy được thế mạnh về ngôn ngữ cũng như các kỹ năng, kiến thức được đào tạo ở Trung Quốc. Cũng từ đây, cô bắt đầu phụ trách công việc biên phiên dịch các tài liệu của đoàn, hỗ trợ giới thiệu và giao tiếp với các đồng môn Thái Lý Phật trên thế giới. Hiện tại, Hằng cũng tham gia biên dịch từ tiếng Việt sang tiếng Trung tài liệu Thắng Nghĩa toàn thư.

Bước sang năm 2023, khi Thắng Nghĩa Tổ Quán chính thức tham gia hoạt động trong lĩnh vực du lịch, Thục Hằng là người phụ trách chính trong việc thuyết minh, giới thiệu về Tổ quán đến với khách tham quan trong và ngoài nước. Dù gặp nhiều khó khăn ban đầu trong việc giao tiếp trước đám đông, nhưng với tinh thần tự lực, trách nhiệm và tình yêu với Thắng Nghĩa Đường, cô đã cố gắng hoàn thiện kỹ năng, luyện tập cách trình bày một cách bài bản, hỏi thêm kiến thức chuyên sâu từ những thành viên có chuyên môn cao hơn. Nhờ sự nỗ lực không ngừng đó mà đến nay, cô đã tự tin hơn với công việc thuyết minh của mình, đồng thời nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ khách tham quan. Các bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên khi đến với Thắng Nghĩa Đường cũng cảm thấy hứng khởi, thoải mái hơn, dễ dàng tiếp nhận các kiến thức mang tính đặc thù cao nhờ sự truyền đạt nhiệt tình và tận tâm của Thục Hằng. 

Vậy là, niềm vui và ý nghĩa mà các công việc ở Thắng Nghĩa Đường mang lại đã giúp Hằng nhận ra con đường thật sự dành cho mình – đó là gắn bó nhiều hơn với Thắng Nghĩa, mong muốn góp phần nhỏ của mình để hỗ trợ các thành viên còn lại nhằm giúp Thắng Nghĩa Đường phát triển hơn mỗi ngày. Hiện nay, với vai trò Trưởng ban Văn hóa Truyền thông, cô hy vọng mình có thể giúp quảng bá hình ảnh Thắng Nghĩa Đường đến với đông đảo công chúng, cũng như mong muốn qua việc giới thiệu bộ môn võ thuật và lân sư rồng có thể giúp mọi người quan tâm hiểu hơn cả về các loại hình văn hóa đa dạng khác của người Hoa.

Khi được hỏi ước mơ của mình là gì, cô thật tâm chia sẻ: “Tương lai mong muốn xây dựng Thắng Nghĩa Tổ Quán thành một địa điểm du lịch đặc trưng của thành phố nói chung và Chợ Lớn nói riêng”. Đặc biệt hơn cả, cô mong Thắng Nghĩa Đường không chỉ là nơi tập luyện võ thuật và lân sư rồng mà còn là nơi đào tạo những con người có ích cho xã hội, cũng như tại đây, các bạn yêu thích văn hóa truyền thống người Hoa có thể cùng trao đổi và học hỏi lẫn nhau. Có lẽ, đây cũng là một nét “truyền thừa” thú vị khi chính Chưởng môn Huỳnh Chí Dân – cha cô từng chia sẻ trong một bài phỏng vấn rằng bản thân mình luôn mong muốn “mượn võ thuật để đào tạo con người”.

Thuyết minh cho khách tham quan phòng truyền thống Thắng Nghĩa Đường – “TRUYỀN THỪA CÁC”

Huỳnh Thục Hằng (người đứng trên cùng) biểu diễn tiết mục “Đứng một chân trồng ba người” với cha – Chưởng môn Huỳnh Chí Dân (người đứng dưới cùng) những năm 90