Dấu ấn 45 năm rực rỡ của Đoàn Lân Sư Rồng Thắng Nghĩa Đường

Trong dòng chảy văn hóa lân sư rồng hơn trăm năm tại TP. Hồ Chí Minh, có nhiều đoàn lân sư rồng đã hoạt động hàng chục năm. Hiện nay, thành phố có gần 100 đoàn lân sư rồng, trong đó Đoàn Lân Sư Rồng Thắng Nghĩa Đường kỷ niệm 45 năm thành lập vào năm nay. Trong hai ngày tới, đoàn sẽ tổ chức lễ kỷ niệm đặc biệt, đánh dấu mốc son 45 năm trên chặng đường phát triển của mình.

Hình chụp tập thể thành viên Đoàn Lân Thắng Nghĩa những năm 70

 

Nỗ lực gìn giữ và phát triển võ phái Thái Lý Phật

Đoàn LSR Thắng Nghĩa được sáng lập bởi cố lão võ sư Đặng Tây (sinh năm 1915 tại Phan Ngư, Quảng Đông, Trung Quốc). Trong thời kỳ chiến tranh Trung-Nhật, cuộc sống của người dân lâm vào cảnh khốn khó. Năm 1933, khi 18 tuổi, Đặng Tây cùng người cô của mình rời Quảng Châu, vượt biển đến định cư tại Xóm Củi, khu vực Quận 11, TP. Hồ Chí Minh ngày nay.

Ban đầu, ông sinh sống bằng nghề đan rổ và dạy võ để kiếm kế sinh nhai. Sau nhiều năm, số môn sinh theo học ngày càng đông. Đến năm 1979, ông quyết định thành lập Đoàn Lân Thắng Nghĩa để chính thức truyền dạy võ phái Bắc Thắng Thái Lý Phật và phát triển hoạt động biểu diễn lân sư rồng.

Trong số các đệ tử của võ sư Đặng Tây, Huỳnh Chí Dân là người nổi bật với niềm đam mê võ thuật. Năm 1977, ông bái sư học võ từ thầy Đặng Tây, tập trung rèn luyện môn phái Bắc Thắng Thái Lý Phật. Nhờ tài năng và phẩm chất đạo đức vượt trội, Huỳnh Chí Dân được sư phụ hết lòng tin tưởng. Đến năm 1982, Đặng Tây giao quyền điều hành Đoàn Lân Sư Rồng Thắng Nghĩa Đường cho Huỳnh Chí Dân, với kỳ vọng ông sẽ phát triển đoàn mạnh mẽ hơn. Khi ấy, thầy Đặng Tây giữ vai trò tổng lãnh đạo, còn Hoàng Chí Dân đảm nhận chức phó lãnh đạo.

Để xây dựng đoàn thành một tổ chức quy củ và văn minh, Huỳnh Chí Dân đã đề ra những nội quy nghiêm ngặt. Các thành viên tham gia đoàn không được nhuộm tóc, xăm hình, nói lời tục tĩu, hay (với nam giới) đeo khuyên tai. Quan trọng nhất là các thành viên phải chăm chỉ học tập văn hóa. Đoàn còn đặt ra tôn chỉ “Trung Hiếu Nghĩa” và “Văn Võ Y” để định hướng hoạt động.

  • Trung Hiếu Nghĩa:

    • Trung là trung thành với môn phái và đất nước.
    • Hiếu là hiếu thảo với tổ sư, cha mẹ và các bậc tiền nhân.
    • Nghĩa là sống có nghĩa tình với đồng môn, như anh em một nhà.
  • Văn Võ Y:

    • Văn là học lễ nghĩa, văn hóa để làm nền tảng cho việc học võ, bởi luyện võ cần có “võ đức”.
    • là rèn luyện võ công đi đôi với đạo đức.
    • Y là y thuật, nhờ có kiến thức văn hóa mà việc học y trở nên dễ tiếp thu hơn.

Dưới sự dẫn dắt của Huỳnh Chí Dân, đoàn không chỉ tập trung vào kỹ thuật võ thuật và biểu diễn lân sư rồng mà còn giáo dục các thành viên cách ứng xử, giao tiếp.

Đáp ứng sự thay đổi của thời đại, vào năm 1994, đoàn bắt đầu mở thêm tiết mục múa rồng với rồng nhỏ. Đến năm 1998, đoàn chính thức biểu diễn rồng lớn (to, dài và cần nhiều người biểu diễn hơn) trong các sự kiện quan trọng. Năm 2000, đoàn tiếp tục mở rộng hoạt động với múa Bắc Sư, đưa các tiết mục biểu diễn lân sư lên tầm chuyên nghiệp và phong phú hơn.

Nhờ sự nỗ lực phát triển liên tục, đến nay Đoàn Lân Sư Rồng Thắng Nghĩa đã trở thành một trong những đoàn lân sư rồng hàng đầu, không chỉ góp phần duy trì và phát huy văn hóa lân sư rồng mà còn truyền bá võ đạo và các giá trị truyền thống cho thế hệ trẻ.

 

Năm 2000, đoàn Thắng Nghĩa biểu diễn rồng lớn dài 40 m tại nhà thi đấu Tinh Võ.

Để chào đón Tết Nguyên Đán, từ năm 1991 đến 2000, Đoàn Lân Sư Rồng Thắng Nghĩa tổ chức biểu diễn múa lân mỗi dịp cuối năm tại Nhà thi đấu Tinh Võ. Những buổi biểu diễn này không chỉ thu hút đông đảo khán giả mà còn trở thành một phần không thể thiếu trong các hoạt động Tết của cộng đồng.

Đặc biệt, trong năm 2000, đoàn đã triunhf diễn một con rồng dài tới 40 mét để biểu diễn. Con rồng này còn được sắp xếp thành hình số 2000, khiến khán giả vô cùng phấn khích và tán thưởng. Những tiết mục biểu diễn hàng năm của đoàn ngày càng phong phú, bao gồm múa lân sư rồng, võ thuật và khí công, thu hút được sự quan tâm của nhiều người.

Sau khi võ sư Đặng Tây qua đời vào năm 2004, thầy Huỳnh Chí Dân chính thức đảm nhận vai trò lãnh đạo của đoàn. Ông đã tiếp nối di sản mà sư phụ để lại, tiếp tục phát triển và duy trì các hoạt động của đoàn lân sư, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống cũng như nâng cao uy tín của đoàn trong cộng đồng. Dưới sự lãnh đạo của thầy Huỳnh Chí Dân, đoàn không ngừng phát triển và ghi dấu ấn trong lòng người yêu thích nghệ thuật lân sư.

Thúc đẩy phát triển và đạt được giải thưởng

Như tên gọi đã chỉ rõ, đoàn lấy tên “Thắng Nghĩa”, mang ý nghĩa là trong bất kỳ công việc hay hành động thiện nguyện nào cũng phải đi trước mọi người. Vì vậy, giữa năm 2016, đoàn đã thành lập ban trị sự; vào tháng 8 cùng năm, đoàn đã trao học bổng cho các thành viên và con em của các thành viên có thành tích xuất sắc, trở thành đoàn lân sư đầu tiên trong thành phố thực hiện chương trình trao học bổng và trở thành hoạt động thường niên của đoàn.

Năm 2017, võ sư Huỳnh Chí Dân đã nhận 9 nhập thất đệ tử, đánh dấu thế hệ thứ sáu của môn phái Thái Lý Phật, trong đó có các tên như: Văn Nho (Huỳnh Gia Lâm), Văn Long (Huỳnh Gia Bửu), Văn Trí (Huỳnh Gia Lương), Văn Trung (Lưu Toàn Đức) và nhiều người khác.

Nhằm phát huy phẩm chất “uống nước nhớ nguồn”, vào năm 2018, đoàn đã thành lập tổ quán để thờ phụng các tổ sư qua các thế hệ, tưởng nhớ công đức của tổ sư và dạy cho thế hệ sau nhớ mãi ơn nghĩa của tổ sư.

Năm 2019, nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập, đoàn tổ chức một đêm biểu diễn văn hóa lớn tại Trung tâm văn hóa Quận 5 với các tiết mục múa lân và võ thuật. Đồng thời, trong buổi tiệc kỷ niệm 40 năm, đoàn đã quyên góp tiền cho một số tổ chức và gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thực hiện kế hoạch “từ thiện trợ nhân” mà đoàn đã theo đuổi trong nhiều năm. Mặc dù ngân sách còn hạn chế, đoàn luôn cố gắng hết sức mình để thực hiện các hoạt động từ thiện hàng năm.

Du khách xem biểu diễn võ thuật tại “Thắng Nghĩa Tổ Quán”

Trong giai đoạn từ năm 2019 đến 2020, Đoàn Lân Sư Rồng Thắng Nghĩa đã xây dựng “Truyền Thừa Các” tại Thắng Nghĩa Tổ Quán, chính thức đi vào hoạt động vào năm 2021. Năm 2022, đoàn đã đạt được hai kỷ lục Guinness Việt Nam: một là về “Môn phái Thái Lý Phật và quá trình hình thành, phát triển tại Việt Nam trong 90 năm (1933 – 2022)”, và hai là “Đoàn Lân Sư Rồng đầu tiên xây dựng Tổ quán và Phòng Truyền thống nhằm lưu giữ và tôn vinh các giá trị, tư liệu của môn phái Thái Lý Phật tại Việt Nam”.. Năm 2023, Đoàn Lân sư rồng Thắng Nghĩa Đường tiếp tục thực hiện thành công tiết mục “Ngũ Sư Hí Cầu” chỉ với 1 lần thực hiện và quãng đường ghi nhận được là 12m.

Năm 2022, Thắng Nghĩa Tổ Quán đã được Chính quyền Quận 11 công nhận là một điểm du lịch của Quận. Ngày 1 tháng 1 năm 2023, nơi đây chính thức mở cửa đón khách tham quan. Hiện tại, đoàn đã hợp tác với các công ty du lịch, mở ra 5 tuyến du lịch khác nhau để phục vụ khách tham quan.

Khách tham quan Thắng Nghĩa Tổ Quán có thể tham quan các hiện vật về văn hóa lân sư rồng, các tiết mục biểu diễn múa lân và võ thuật, hoặc tham gia vào các hoạt động như vẽ lân, nghe kể chuyện lân sư,rồng hay học võ thuật. Những hoạt động này mang tính chất phong phú và thú vị. Được biết, Thắng Nghĩa Tổ Quán cũng là địa điểm lý tưởng cho sinh viên, nghiên cứu sinh và các học giả tìm hiểu về văn hóa lân sư rồng để viết luận văn, báo cáo hoặc nghiên cứu, và nhiều tác phẩm của họ đã giành được giải thưởng.

“Long Sư Các” tại Thắng Nghĩa Tổ Quán

Nhân dịp kỷ niệm 45 năm thành lập, Đoàn Lân Sư Thắng Nghĩa đã xây dựng “Vọng Sư Lâu”, đồng thời lắp đặt các bức tranh tường mô tả các truyền thuyết và lịch sử của môn phái. Để ghi nhớ công lao đóng góp suốt đời của các bậc trưởng lão đã sáng lập đoàn, đoàn đã truy tặng các danh hiệu vinh dự:

  • Võ sư Huỳn Tô (đã mất) được phong tặng danh hiệu “Trung Cần Trưởng Lão”;
  • Võ sư Huỳnh Chí Quyền được trao tặng danh hiệu “Trung Dũng Trưởng Lão”;
  • Võ sư Tô Lương (đã mất) nhận danh hiệu “Trung Chính Trưởng Lão”;
  • Võ sư Vương Cẩm Văn được phong tặng danh hiệu “Trung Thuận Trưởng Lão”;
  • Võ sư Huỳnh Chí Phúc được tôn vinh với danh hiệu “Trung Tinh Trưởng Lão”.

Chưởng Môn Huỳnh Chí Dân đã bày tỏ lòng biết ơn đến các vị trưởng lão, các thành viên ban trị sự và các thành viên trong đoàn , đã cùng nhau đoàn kết, hỗ trợ cho đoàn phát triển không ngừng. Được biết, ba người con của ông: Huỳnh Gia Bửu, Huỳnh Gia Lương và Huỳnh Thục Hằng đã nỗ lực rất nhiều trong việc phát triển đoàn. Họ đã thiết kế và xây dựng tổ quán, Truyền Thừa Các, Long Sư Các và Vọng Sư Lâu. Trong khi đó, võ sư Huỳnh Gia Lương đã tham gia và đạt nhiều thành tích xuất sắc trong giải “Võ Động Bắc Kinh”, mang lại nhiều vinh quang cho Thắng Nghĩa Đường.

Tác giả: Nhân Kiện

Dịch: Thắng Nghĩa Đường

Theo: Báo Sài Gòn Giải Phóng Tiếng Hoa

Bài viết liên quan