Theo Võ thuật tinh hoa Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật bắt nguồn từ Thiếu Lâm Nam phái, trong ngũ đại danh gia “Hồng – Lưu – Thái – Lý – Mạc” do tổ sư Trần Hưởng và Trương Viêm sáng lập, kết hợp tinh hoa võ thuật Thái gia, Lý gia và Phật gia của 3 vị tiền bối Thái Phúc, Lý Hữu Sơn và Thanh Thảo thiền sư (còn gọi là Ngũ Kinh Tăng).
Thân thế hai vị sáng tổ võ phái Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật
Tổ sư Trần Hưởng sinh vào năm thứ 19 đời Gia Khánh nhà Thanh (10-7-1814, Dương lịch) tại huyện Tân Hội, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. 11 tuổi, Trần Hưởng theo người chú là Trần Viễn Hộ học võ, vốn thông minh vì thế cậu mau chóng lĩnh hội toàn bộ võ thuật cơ bản chỉ trong vòng 5 năm. Để theo đuổi ước mơ “kinh bang tế thế”, Trần Hưởng bái biệt thúc phụ cũng là người thầy đầu tiên lên đường tầm sư học nghệ. Trải qua bao khó khăn, vất vả, định mệnh đã đẩy đưa bước chân lãng tử của Trần Hưởng tìm đến danh sư Lý Hữu Sơn – quyền sư nổi tiếng tỉnh Quảng Đông lúc bấy giờ – xin thọ giáo. Sau bốn năm miệt mài khổ luyện dưới sự chỉ dẫn tận tình của Lý sư phụ, Trần Hưởng lĩnh hội toàn bộ tinh hoa võ thuật của Lý gia quyền đúc kết hơn mấy mươi năm mới có được.
Biết đệ tử đam mê võ thuật một cách kỳ lạ, Lý sư phụ cho phép Trần Hưởng lên đỉnh La Phù Sơn (tỉnh Quảng Đông) bái danh sư Thái Phúc làm thầy. Sau 10 năm ròng rã, kỳ nhân trên đỉnh La Phù đã dốc hết tuyệt kỹ tinh hoa Phật gia quyền truyền cho đệ tử họ Trần từ quyền cước, binh khí, nội, ngoại, khí công và y học. Sau khi đã trút hết vốn liếng võ thuật cho học trò, nhận thấy cốt cách và tài nghệ đệ tử khí phách hơn người, Thái sư phụ bèn giới thiệu Trần Hưởng đến thọ giáo sư huynh là Thanh Thảo thiền sư (mai danh ẩn tích ở Bát Bài Sơn – Quảng Tây) nhằm giúp đệ tử tiếp tục nâng cao sở học.
Do xa nhà đã lâu, vì thế trước khi đến Bát Bài Sơn diện kiến cao nhân, Trần Hưởng bái biệt Thái sư phụ trở về thăm nhà đồng thời sửa soạn tư trang cho hành trình gian khổ đến Quảng Tây. Nhưng không may, việc tìm thầy học đạo bất thành vì gia đình muốn giữ Trần Hưởng ở lại cai quản bảo vệ Trần gia thôn, từ đó, Trần Hưởng khởi phát truyền bá võ thuật cho tráng đinh và con cháu họ Trần trong thôn (tôn chỉ gia tộc họ Trần không dạy võ người khác họ).
Trần Hưởng có bạn tri kỷ họ Trương, người này có cháu là Trương Viêm rất say mê võ thuật, muốn gửi cho Trần Hưởng kèm cặp nhưng ngặt điều cấm kỵ khắc khe của dòng họ Trần, nể bạn, Trần Hưởng đành phải nhận Trương Viêm vào Trần gia thôn làm tạp dịch rồi đến đêm lén dạy riêng tại bãi đất trống cuối thôn. Một hôm, Trần Hưởng có việc phải đi xa, giao việc dạy võ lại cho một số cao đồ. Trông thấy các sư huynh múa bài quyền không đúng, không chịu được, Trương Viêm vô tình buộc miệng thốt lên, thế là sự việc “học chui” của tên tạp dịch bại lộ, Trương Viêm lập tức bị gia tộc họ Trần trục xuất khỏi Trần gia thôn.
Hai nhánh “Hùng Thắng” và “Hồng Thắng”
Sự việc vỡ lỡ, sư phụ Trần Hưởng đành giới thiệu Trương Viêm tìm đến Bát Bài Sơn bái Thanh Thảo thiền sư làm sư phụ, với ý định trau dồi thêm nghề võ cho Trương Viêm đồng thời mong Trương đệ tử có thể thay mình thực hiện ước mơ còn dang dở khi xưa. Tại đỉnh Bát Bài Sơn, Trương Viêm được vị cao tăng thương tình dốc lòng truyền dạy tinh hoa võ nhà Phật, được sư phụ đặt biệt danh “Hồng Thắng”. Thời gian thấm thoát tợ thoi đưa, sau 5 lần mai nở trên đỉnh Bát Bài Sơn cũng là lúc Trương Viêm lĩnh hội trọn vẹn tuyệt kỹ công phu Phật gia chưởng, đành bái biệt ân sư quay về Trần gia thôn cùng sư phụ Trần Hưởng ngày đêm cất công nghiên cứu, kết hợp vận dụng tinh hoa võ thuật của Thái gia, Lý gia và Phật gia chế tác thành môn võ công đặt tên là Thái Lý Phật, đúc kết hòa hợp giữa Thái gia mã (bộ tấn), Lý gia quyền (chiêu thức) và Phật gia chưởng (thủ pháp). Từ đấy, môn phái Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật chính thức được khai sinh với công lao hai vị sáng tổ Trần Hưởng và Trương Viêm.
Tổ sư Trần Hưởng lấy hiệu “Hùng Thắng Thái Lý Phật”, truyền nghề võ lại cho hai con là Trần An Bá và Trần Quan Bá, sau Quan Bá tiếp tục truyền cho hai con là Trần Văn Bân và Trần Diệu Trì, Trì lại truyền cho 3 người con gồm Trần Vân Hớn, Trần Tân Tiều và Trần Khiết Phương.
Truyền nhân đời thứ III “Hùng Thắng Thái Lý Phật” là Trần Trường Mao, tổ đời thứ IV là Trần Nhất Minh, tổ đời thứ năm là Trần Thế Vinh, trong khi đó, truyền nhân “Hồng Thắng Thái Lý Phật” đời thứ II là Lôi Sáng, tổ đời thứ III là Đàm Tam, tổ đời thứ IV là Đặng Tây, truyền nhân đời thứ V là Huỳnh Chí Dân.
“Quái thủ miêu trảo” và trận tử chiến tại thủ phủ Quảng Châu
Năm 1914, đệ nhất thế chiến nổ ra ở châu Âu, trong số bảy nước có tô giới phải dồn sức cho cuộc chiến này, phát xít Nhật rắp tâm độc chiếm Hoa lục, vì thế tháng 1-1915, Nhật ép Viên Thế Khải lên ngôi làm hoàng đế “bù nhìn”, sự kiện này đã dấy lên làn sóng chống triều đình Viên Thế Khải và quân đội Nhật khắp Trung Hoa. Năm Dân Quốc thứ 4 (12-1915), Vân Nam tuyên bố độc lập, hình thành những đội nghĩa quân kháng Nhật cứu nước. Hoảng sợ, Viên Thế Khải lập tức điều động 10 vạn quân tinh nhuệ thẳng tay đàn áp dã man, thảm cảnh bắt bớ, đạn bay, thây người chết chồng chất tang thương, trong những ngày vận nước điêu linh, dầu sôi lửa bỏng đó, tại Đặng gia thôn, huyện Phan Ngư, tỉnh Quảng Đông, cậu bé Đặng Tây cất tiếng khóc chào đời.
Lĩnh giáo tuyệt kỹ “Thiết chỉ” của “Thần Thủ” Đàm Tam
Thời tao loạn, khắp nơi cướp bóc nổi lên như rạ, nhằm bảo vệ trâu bò, nương rẫy, lợn gà, khắp làng thôn dấy lên phong trào luyện võ. Thời niên thiếu, Đặng Tây cũng bị lôi kéo vào những cuộc bạo hành tập thể, không ít người đã mất mạng chỉ vì tranh chấp một thửa ruộng liếp rau, nhằm đối phó trước những xung đột, mâu thuẫn và để trang bị khả năng phòng vệ, Đặng gia thôn cùng nhiều thôn khác khuyến khích con em học võ. Cũng chính từ hoàn cảnh khắc nghiệt ấy đã sớm bộc lộ tư chất võ thuật của cậu bé Đặng Tây. Mới 5 tuổi, cậu đã bị buộc phải “đứng tấn” hàng giờ đến tàn hết cay nhang trước khi làm quen mặt chữ, người khai tâm môn phái Hồng gia trong huyết quản Đặng Tây là chú ruột Đặng Tân. Phát hiện thiên hướng võ thuật tiềm ẩn nơi đứa cháu thông minh “học một hiểu mười”, người chú hết lời thuyết phục bà chị chấp nhận cho cậu bé Đặng Tây ra Quảng Châu tìm đến “Thần Thủ” Đàm Tam bái sư học nghệ. Vị cao nhân này danh tiếng lừng lẫy Quảng Châu (thủ phủ tỉnh Quảng Đông), tài nghệ võ thuật tuyệt luân không có đối thủ.
Dường như cơ duyên sắp đặt, sau khi Đặng Tân ngỏ lời, Đàm sư phụ liền ưng thuận nhận cậu bé tám tuổi làm đồ đệ, cũng từ đó, suốt 9 năm ròng rã miệt mài khổ luyện võ công, Đặng Tây không rời sư phụ nửa bước. Một trong những tuyệt kỹ họ Đặng được Đàm sư phụ truyền dạy là công phu “Thiết chỉ” (sử dụng ngón trỏ điểm vào huyệt đạo khiến địch thủ tê liệt). Mới đầu, phải luyện các ngón tay cứng cáp bằng cách xỉa thủng thân cây chuối, đến khi ngón trỏ đâm xuyên quả táo to thì chuyển qua điểm huyệt hình nhân bằng ván thông, theo thời gian, độ dày của ván cứ tăng dần lên cho đến khi chọt lủng gạch, xuyên qua miếng gỗ dày hai phân!
Để luyện công phu “Lãm Tước Vĩ”, hằng tháng vào ngày rằm, Đàm sư phụ bảo Đặng Tây ra thị trấn mua chim phóng sinh. Hàng chục lồng chim để trước mặt, khi chim sổ lồng, Đặng Tây phải bằng mọi cách chụp bắt lại nhưng tuyệt đối không được làm chim bị thương! Đây là cách luyện Cầm Nã Thủ chuyên chụp, bẻ, vặn, khóa, nắm bắt cổ tay đối phương, chính nhờ thủ pháp nhanh như điện xẹt hơn cả lực bay của chim sẻ, sư phụ Đàm Tam được võ lâm giang hồ Quảng Châu tôn vinh biệt danh “Thần Thủ”. Sau 9 năm miệt mài khổ luyện công phu đặc dị của Đàm sư phụ, mới 17 tuổi, cái tên Đặng Tây đã lừng lẫy thủ phủ Quảng Châu với hàng loạt trận thắng như chẻ tre trên võ đài cả trong những trận tử chiến đẫm máu với các băng đảng giang hồ. Thủ pháp ảo diệu của chàng thiếu niên họ Đặng được giới võ lâm tôn vinh “Quái thủ miêu trảo”.
Xảy ra tử chiến chỉ vì từ chối nhận lá cờ “mặt trời đỏ”
Năm 1932, võ sĩ trẻ Đặng Tây đoạt quán quân giải Quyền thuật Thanh niên Quảng Châu, trong số khách mời danh dự có cố vấn quân sự Nhật Bản Simonoseki, đại diện ban tổ chức lên trao giải thưởng kèm lá cờ “mặt trời đỏ” cho người chiến thắng. Nhà vô địch chỉ nhận hiện kim, khước từ lá quốc kỳ xứ Phù Tang, điều này khiến gã đại tá Nhật bẽ mặt trước bá quan văn võ, vị sĩ quan cao cấp quân đội “Thiên hoàng” mặt đỏ như gấc chín, cắn răng nuốt nhục, đùng đùng lên xe bỏ ra về sau khi ném lại một cái nhìn căm tức về phía chàng trai trẻ.
Ngay sáng hôm sau, Đặng Tây nhận được “huyết chiến thư” từ Bộ Chỉ huy Quân sự Nhật Bản đề nghị thách đấu. Hội Võ thuật Quảng Đông họp khẩn, bàn phương án đối phó, sau đó vội gửi thư phúc đáp, đại ý Đặng Tây chỉ mới 17 tuổi còn “trẻ người non dạ” vì thế mong lãnh đạo quân đội “Thiên hoàng” chẳng nên cố chấp. Mặt khác, ra sức thuyết phục Đặng Tây viết thư xin lỗi ngài Simonoseki nhằm giữ hòa khí bang giao giữa hai nước, tất nhiên, họ Đặng cương quyết không chịu nhận lỗi, cuối cùng phía quân đội Nhật Bản đưa ra “tối hậu thư” sẽ có một võ sĩ người Nhật trạc tuổi Đặng Tây sang Quảng Châu tỷ thí võ công.
Ngày 9-5-1932, trận thách đấu diễn ra tại võ đài trong khuôn viên Hội Tinh Võ Quảng Châu dưới sự chứng kiến của hàng ngàn người hiếu kỳ. Võ sĩ Nhật Bản Kanashi 17 tuổi, vô địch karate các trường Trung học tại Tokyo, quán quân judo và aikido giải vô địch Thiếu niên thành phố Osaka. Đúng 9 giờ sáng, tiếng cồng vang lên khởi đầu cho trận tỷ thí. Trông thấy Kanashi có vóc dáng thấp bé, Đặng Tây tỏ vẻ xem thường lao vào tấn công với ý định đánh phủ đầu nhằm uy hiếp tinh thần đối phương. Sự chủ quan khinh địch của chàng trai trẻ háo thắng lập tức bị trả giá. Nào phải tay vừa, chỉ chờ có thế, Kanashi túm tay áo họ Đặng kéo tới và nhanh như cắt tung đòn hông “tsurikomi soshi” ném nhà vô địch Quảng Châu té sấp trên sàn đài. Trọng tài phải đếm đến tiếng thứ năm, Đặng Tây mới gượng đứng lên. Tranh thủ lúc đối phương chưa kịp hoàn hồn, võ sĩ Nhật Bản hăng máu tấn công dồn dập bằng một loạt cú “shuto” lợi hại. Kanashi bất ngờ chụp được cánh tay họ Đặng, ý định tung đòn “yoko otoshi” ném đối phương xuống sàn đài thêm một lần nữa…
Lạc bước vào Chợ Lớn trở thành “Đại ca”
“Trung Hoa thiếu niên anh hùng” vượt biển đào thoát trong đêm
Khắp bốn mặt võ đài, hàng ngàn ánh mắt đồng loạt nhắm lại, họ không đủ can đảm chứng kiến cảnh đứa con cưng của thủ phủ Quảng Châu một lần nữa bị đối phương ném xuống sàn đài như người ta vứt một con chuột chết! Bỗng dưng, Kanashi buông tay địch thủ rồi thét lên thảm thiết, ngã lăn giãy dụa trông rất đau đớn, máu từ bàn tay võ sĩ người Nhật phun ra như vòi sen, thì ra lòng bàn tay phải của quán quân Tokyo đã bị tuyệt kỹ “Thiết chỉ” điểm xuyên lủng một lỗ như có ai cầm cây nhọn đâm thủng qua. Kanashi đã mắc bẫy khi “dính tay” với họ Đặng và bị khống chế bởi công phu “bắt chim sẻ” của đối phương. Bên phía Nhật Bản buộc phải tung khăn trắng xin bỏ cuộc và đưa Kanashi lên xe cấp cứu.
Chiến thắng oanh liệt của Đặng Tây được Hội Tinh Võ Quảng Châu tưởng thưởng bức hoành phi trên khắc 6 chữ vàng “Trung Hoa thiếu niên anh hùng” làm nức lòng người dân bản xứ. Tuy nhiên, phía quân đội Nhật Bản nhất định không chịu chấp nhận thất bại, họ gửi thư cho biết vào cuối năm, sau khi vết thương bình phục, Kanashi sẽ có trận tái đấu phục thù và nếu chẳng may có mất mạng dưới tay họ Đặng thì cũng vinh hạnh là chết trên sàn đấu đúng với tinh thần “võ sĩ đạo”! Những dòng cuối thư như ngầm đe dọa: “Bất cứ giá nào cũng không được từ chối hoặc thế người khác!”
Nếu như ở trận tái đấu, Kanashi thất bại thêm lần nữa, chắc chắn lành ít dữ nhiều, bởi nguy cơ xung đột giữa quân đội “Thiên hoàng” với người dân thủ phủ Quảng Châu rất dễ xảy ra, với vũ khí lăm lăm trong tay, đội quân Nhật hùng mạnh muốn bắt bớ, nổ súng vào đám loạn dân lúc nào chả được, “dĩ đào thượng sách”, sau cùng, Hội Tinh Võ Quảng Châu và thân phụ Đặng Tây đi đến quyết định táo bạo: “Trung Hoa thiếu niên anh hùng” phải lập tức rời khỏi thủ phủ Quảng Châu trước khi quân đội Nhật kéo đến gay hấn. Giai đoạn này, không chịu nổi sự dày xéo của đội quân phát xít, hàng ngàn người Hoa lũ lượt rời bỏ quê hương tha phương cầu thực. Kẻ lắm tiền thì tìm cách vượt biên qua Mỹ bằng tàu hỏa, người nghèo thì lên thuyền trôi dạt sang Nam Dương (Indonesia), Việt Nam, Phi Luật Tân (Philippines), Thái Lan…Một tối mùa đông giá rét tại cảng Quảng Châu, Đặng Tây cùng người cô ruột cải trang thành ngư dân lặng lẽ xuống thuyền mở đầu cho cuộc hải trình đầy nghiệt ngã đến xứ lạ quê người.
Đại ca “Tây điên” ra tay trừ gian diệt bạo
Cơn bão lớn trong chuyến hải hành gian khổ đã đẩy con thuyền chở cô cháu Đặng Tây xuôi về phương Nam rồi dừng lại tại bờ biển Vũng Tàu. Sau khi bán thuyền cho ngư dân làng chài, hai người con đất Quảng Châu tìm cách vào “Đề” (tên gọi Chợ Lớn lúc bấy giờ) bằng xe thổ mộ, bởi nơi đây là miền đất hứa cho những người Hoa lưu lạc. Tại vùng đất mới, cao thủ “Thiết chỉ” được chính quyền sở tại cấp tên mới trong “giấy căn cước” là Đặng Văn Thành.
Giữa vùng đất hoa lệ, sầm uất, hành trang Đặng Tây mang theo chỉ vỏn vẹn một tay nải lép xẹp cùng bản lĩnh võ công cái thế, anh tỏ ra cô đơn lạc lõng giữa một Chợ Lớn phồn hoa đô hội, đầy rẫy những cám dỗ chết người từ hí trường, sòng bạc, nhà thổ, động hút á phiện – lối sống “nửa Tây nửa Tàu” đầu thế kỷ. Thế nhưng, một ý chí hừng hực trong huyết quản, dòng máu nhẫn nại, kiên cường giúp chàng trai trẻ sẵn sàng đương đầu thách thức trước mọi nghịch cảnh, vốn là đặc tính từ bao đời của người Hoa. Do chính quyền thực dân Pháp cấm truyền dạy võ thuật, để có tiền độ nhật, Đặng Tây hành nghề đan giỏ cần xế ở khu Nhị Tỳ Quảng Đông (chợ Thiếc, Q.11) rồi nhận đóng tủ thờ, bàn, ghế…
Tại vùng đất “lắm người nhiều ma”, móc túi, trộm cắp, hãm hiếp, cướp giật, đâm chém đẫm máu giữa các băng đảng giang hồ xảy ra thường xuyên như cơm bữa. Không thể khoanh tay bó gối trước những cái ác, cái xấu đang ngày đêm hoành hành khắp vùng Chợ Lớn, với tuyệt kỹ công phu “Thiết chỉ” được tôi luyện đến mức thượng thừa, cao thủ đến từ Quảng Châu đã nhiều lần ra tay trừ khử hàng trăm tên “dao búa” kể cả đám lính khố xanh, khố đỏ ức hiếp bóc lột dân lành, trả lại sự bình an cho những người buôn thúng bán mẹt, tên tuổi Đặng Tây khiến du đãng chợ Thiếc khiếp sợ, gọi anh là “Xọa Tử” (Tây điên) và tôn vinh với mỹ từ “đại ca của những đại ca”. Hành động nghĩa hiệp “trừ gian diệt bạo” của “Quái thủ miêu trảo” một ngày nọ đã lọt đến tai trùm du đãng Chợ Lớn Tín Mã Nàm tức “Con ngựa điên”…
Võ sư Đặng Tây tính tình hiền lành, khiêm tốn, vui vẻ chan hòa với mọi người, ông sống cô quạnh không vợ con, mai danh ẩn tích nơi đất khách quê người bằng nghề đan giỏ cần xế tại căn hộ nhỏ ở khu Nhị tỳ Quảng Đông (Q.11), mọi người gọi bằng cái tên trìu mến Sấy Bạc (Bác Tây), với bản tính không thích phô trương mình giỏi võ, thế nhưng “hữu xạ tự nhiên hương”, tiếng tăm về quyền cước của Sấy Bạc dần được loan truyền khắp vùng Chợ Lớn và bay đến tai tướng cướp Tín Mã Nàm.
Phác họa diện mạo “ông trùm của những ông trùm”
Tín Mã Nàm sinh năm 1938 tại Hoa Huyện, Quảng Đông (Trung Quốc), có tên Việt trong căn cước là Trần Tô Tử, tên Hoa là Đào Phước Nam, ngụ tại một căn hộ khang trang ở hẻm Song Hội (giao lộ Nguyễn Trãi – Phùng Hưng, Q.5). Cái tên “Nàm Chẩy” tiếng Hoa có nghĩa là “thằng Nam con” do giang hồ đàn anh gọi lúc hắn còn nhỏ, lâu dần thành tên chết. Khác với trùm giang hồ Sài Gòn Đại Cathay xuất thân đánh giày, bố Nàm Chẩy là chủ một ga-ra sửa chữa ô tô trên đường Tuệ Tĩnh (Q.11, gần nhà thờ Thăng Long), mẹ là quản lý khách sạn Minh Viễn (Nguyễn Trãi, Q.5) nên hắn lúc nào cũng hầu bao rủng rỉnh, áo quần bảnh tỏn.
Thời Ngô Đình Diệm, Tín Mã Nàm gia nhập quân đội Bình Xuyên, được Bảy Viễn gắn lon thiếu úy, hàng ngày dắt khẩu súng rouleau xề xệ bên hông cùng đám đàn em cai quản sòng bạc Đại Thế Giới, hắn lấy 18 vợ chính thức, sinh hơn 30 người con, ngoài ra có rất nhiều “vợ qua đêm” cùng vô số con hoang. Tín Mã Nàm cao, vạm vỡ, mặt rắn đanh, cặp mắt có uy khiến đàn em khiếp sợ, hắn từng vung dao cắt đứt gân chân đệ tử tâm phúc Xú Bá Xứng khi gã đàn em này bị một số chủ sòng bạc tố cáo “lem nhem” tiền bạc. Tại mảnh đất Chợ Lớn màu mỡ, do đã thỏa thuận ăn chia, Tín Mã Nàm được trung tá Lê Ngọc Trụ (Trưởng Ty Cảnh sát Q.5) cất nhắc giữ chức “Trưởng Ban bài trừ tệ nạn xã hội”. Hàng ngày, Nàm Chẩy khoác bộ cảnh phục trắng toát, gắn lon trung sĩ, lái chiếc xe jeep LA 2016 lượn vòng vòng khu Chợ Lớn đi “bài trừ du đãng”!
Được quận trưởng Lê Ngọc Trụ “bật đèn xanh”, Tín Mã Nàm tập hợp hàng trăm đàn em vằn vện như Cấy Thầu, Xú Bá Xứng, Lụ Phủa Chẩy, “Bắc Kỳ” Chẩy, A Bé, Sơn Nhân Đức, Quẩy Thầu Ming… “tác oai tác quái” khắp vùng Chợ Lớn, lãnh địa hoạt động khá rộng lớn, trải dài từ khu Đại Thế Giới, chợ Bình Tây, chợ Bình Tiên, chợ An Đông, bến xe Chợ Lớn đến chùa Bà Thiên Hậu, phố sách báo Triệu Quang Phục, chợ vải Soái Kình Lâm…
Ngoài bảo kê động hút, sòng bài, ổ mại dâm, nhà hàng, vũ trường…băng đãng Tín Mã Nàm còn tống tiền các hiệu buôn, những cơ sở sản xuất hàng giả và kinh doanh trốn thuế, buộc nhiều thương gia hàng tháng phải đóng “hụi chết”, nhà nào có con gái đẹp, dù đã có chồng con, Tín Mã Nàm và đám đàn em tìm cách đe dọa, bắt cóc cưỡng hiếp với nhiều thủ đoạn táo tợn. Người Hoa vùng Chợ Lớn khiếp sợ uy danh Nàm Chẩy, gọi hắn là Tín Mã Nàm (con ngựa điên).
Nhiều năm “tác oai tác quái” vùng Chợ Lớn, Tín Mã Nàm chưa đụng kỳ phùng địch thủ dù nơi đây không hiếm cao thủ, bởi bản tính người Hoa ít “máu ăn thua” chỉ lo chí thú làm ăn, không xuất đầu lộ diện đương cự tay trùm du đãng, vì vậy “con ngựa điên” ngày càng hung hãn.
Cuộc tỷ thí võ công giữa ông lão đan sọt và gã trùm du đãng
Nghe danh “Quái thủ miêu trảo” Đặng Tây, ngưỡng mộ và tò mò, một ngày nọ Tín Mã Nàm tìm đến nhà Sấy Bạc ngỏ ý thỉnh giáo võ công, trước thử nghề, sau bái sư. Tướng cướp Tín Mã Nàm ỷ vào thân hình hộ pháp cũng như võ nghệ cao cường (học Nam Hồng quyền với nhạc gia Trần Lục – truyền nhân quyền sư Lâm Thế Vinh ở Trung Quốc, Thiếu Lâm Châu gia cùng quyền sư Lưu Phú và Thái Lý Phật của danh sư Trần Nhất Minh), một vài “bang hội đen” từ Hồng Kông, Ma Cao mò sang Việt Nam dự tính bành trướng thế lực tại vùng Chợ Lớn màu mỡ, sau vài trận đụng độ đâm chém đẫm máu với băng Tín Mã Nàm, đám du đãng Hương Cảng yếm thế phải rút lui, phong cho y biệt danh “Việt Nam Tiểu bá vương”.
Trước đề nghị thí võ của vị khách mặt mày bặm trợn, mình mẩy xăm trổ vằn vện, sau nhiều lần từ chối, sau cùng Sấy Bạc nhận lời, ông lão đan sọt muốn nhân dịp này dạy cho kẻ “coi trời bằng vung” bài học thích đáng để bớt thói côn đồ, hung hãn. Cả hai lên sân thượng đền thờ họ tộc Cao Lôi (cạnh chợ Thiếc) phân tài cao thấp. Thật kỳ lạ, ông lão đan sọt tuy vóc dáng gầy gò nhưng tấn, thân, thủ và cước pháp ảo diệu khôn lường, thoắt ẩn thoắt hiện, hai cánh tay ông mềm mại như bông gòn khi phát “kình” thì cứng tựa thép, đôi chân “chạy mã” uy lực và nhanh như điện xẹt!
Cuộc tỷ thí võ công tưởng chừng sẽ vô cùng tàn khốc giữa kỳ phùng địch thủ nhưng thực tế đã diễn ra không cân xứng, gã tướng cướp to cao vạm vỡ và hung hãn xuất chiêu trước ông lão đan sọt chẳng khác nào dê con trước mãnh hổ, Tín Mã Nàm nhiều lần xông vào “nhập nội” đều bị Đặng tiền bối “cầm nã thủ” khóa tay dễ dàng, những ngón nghề công phu của “con ngựa điên” tung ra tuy dũng mãnh và lợi hại nhưng kỳ lạ thay đều bị ông hóa giải, không những vậy, ông lão đan sọt còn sử dụng tuyệt kỹ “Thiết chỉ” đẩy Tín Mã Nàm văng ra xa hơn ba mét, té xấp trên sàn nhà (ông không nỡ nặng tay, chiêu thức tung ra chỉ nhằm cảnh cáo). Bị trúng nhiều đòn đau điếng, Tín Mã Nàm lồm cồm ngồi dậy vừa kinh ngạc lẫn thán phục, bởi nhiều năm đại náo giang hồ hắn chưa từng gặp cao nhân võ công cái thế như lão đan sọt.
Cố võ sư Đặng Tây cùng ái đồ Huỳnh Chí Dân (Chưởng Môn Phái Thái Lý Phật)
Lúc này “con ngựa điên” đã…hết điên, trong đầu mới chợt thấy thấm thía lời dạy của cổ nhân “Cao nhân tất hữu cao nhân trị”, biết mình đã lỡ đụng nhằm “núi Thái Sơn”, Tín Mã Nàm vội thụp người xuống cúi đầu chắp hai tay bái Đặng Tây lia lịa xin làm sư phụ, hết lời năn nỉ ông dạy cho nghề võ. Nghĩ rằng nếu truyền công phu Hồng Thắng Thái Lý Phật cho gã trùm du đãng Chợ Lớn thì chẳng khác gì chắp cho hổ thêm cánh vì vậy ông lão đan sọt nhất mực chối từ, thấy van nài mãi cũng vô ích, sẵn đang nuôi mộng “bá chủ võ lâm” Tín Mã Nàm bèn đề nghị hàng tháng sẽ cho đàn em đến nhà chu cấp gạo, tiền cho Đặng tiền bối mặc sức chi tiêu, chỉ với điều kiện: Không truyền nghề võ cho bất kỳ ai!”, Sấy Bạc gật đầu ưng thuận.
NGỌC THIỆN