Giải mã đầu lân: Đủ kiểu sáng tạo – Kỳ II

Lân mới thành lập dưới 5 năm, chỉ được dùng màu đen, không được dùng màu trắng, bởi lân trắng tượng trưng cho lão bối trong nghề… Đó là một trong số những yêu cầu khắt khe chỉ còn ở quá vãng. Lân bây giờ trăm hoa đua nở, đủ kiểu sáng tạo, thích màu gì có màu đấy, thêm cả hình ảnh siêu nhân, pikachu…

Lịch sử múa lân ở Chợ Lớn được Huỳnh Gia Bửu, Tổng chỉ đạo đoàn lân Thắng Nghĩa Đường, tìm hiểu và sưu tầm tư liệu kỹ lưỡng. Anh Bửu tóm tắt: “Lân ở Chợ Lớn hình thành từ thập niên 1920, do các lão sư phụ lập võ quán, mở đoàn lân. Võ đường thuộc bang hội nào sẽ dùng những con linh thú đặc trưng riêng của bang hội ấy. Các đoàn như Liên Nghĩa, Nhơn Nghĩa, Thắng Nghĩa của bang Quảng Đông múa lân (Nam Sư), Đông Phương bang Triều Châu múa sư tử (Bắc Sư), đoàn Kim Long Phước Kiến của bang Phước Kiến múa rồng, riêng Thanh Liên, Liên Hữu của bang Hải Nam lại múa hổ, sau do kiêng cữ nên chuyển hổ thành lân, chỉ khác biệt là lân của bang Hải Nam không có sừng như những đoàn lân khác”.

Đoàn lân Thanh Liên Đường với thành viên đông đảo, nhưng chỉ có một đầu lân, ảnh chụp năm Tân Sửu 1961

“Phẫu thuật” lân

Gắn bó với võ thuật và múa lân từ nhỏ, nhưng chỉ khi vào nghề làm đầu lân, Huỳnh Gia Lương mới chú ý đến các chi tiết dựng khung hình một chiếc đầu lân hoàn hảo. Anh chia sẻ: “Ngày xưa đoàn lân chỉ có 1 – 2 con, qua mùa diễn, các chi tiết bị hư hỏng, gãy vỡ nhiều, chỉ dám sửa lại dùng chứ đâu dám khui ra nghiên cứu, do vậy không học hỏi được nhiều. Thời đó, có muốn đi học từ các sư phụ làm đầu lân cũng khó, vì mỗi người đều có bí kíp riêng, không phải ai học cũng truyền ngay cho được, từ kỹ thuật chọn dây mây, kỹ thuật tuốt mây, độ dày, độ dài ngắn, từng chi tiết đều được tuân thủ cẩn trọng lắm. Nguyên liệu ngày trước cũng hạn hữu, tài liệu lại không có nên muốn làm được đầu lân hoàn thiện không dễ”.

Bây giờ, thủ pháp trong chế tác đầu lân không còn là bí mật chân truyền, mà được chia sẻ rộng rãi. Gia Lương cho biết thêm: “Bây giờ làm đầu lân dễ hơn nhiều so với trước, nguyên liệu cũng dễ tìm mua. Dây mây được tuốt sẵn, bán sẵn, đã qua xử lý rồi, chỉ cần mua về sử dụng ngay được. Ngày trước phải tự tìm mua mây, xử lý nhiều công đoạn mới làm được. Các thông số, chỉ số, các mối nối… tạo thành nhiều chi tiết của đầu lân được hướng dẫn cụ thể qua tài liệu, các video hướng dẫn có trên mạng. Thời gian đầu khi làm lân, tôi tự học bằng cách tháo hẳn một con lân cũ ra và may đo lại. Nhưng làm khung chỉ là bước đầu, cơ bản cần là khung phải cân đối, không bị méo, trọng lượng đối xứng đồng đều”.

Huấn luyện viên đoàn lân Thắng Nghĩa Đường thị phạm các động tác trên bộ khung đầu lân Phật Sơn

Tìm hiểu về kỹ pháp chế tác đầu lân, thấy ở đó câu chuyện của người tác tạo không chỉ làm ra một đầu lân hoàn chỉnh mà còn cách dụng tâm khi chế tác, kết hợp mỹ cảm và kinh nghiệm mới thành. Một đầu lân trung bình mất khoảng 2 tuần thực hiện, nhưng công đoạn lên ý tưởng cần nhiều thời gian hơn.

Gia Lương kể: “Cùng người làm 2 cái đầu lân, kích thước như nhau, trang trí như nhau, nhưng sẽ không giống nhau bởi liên quan đến cảm xúc, tâm trạng khi thực hiện. Ví dụ nếu làm theo kiểu truyền thống, kỹ thuật bồi giấy phải căng, nét, như khoác cho lân lớp da, nếu không làm tốt, da nhăn nheo, gợi cảm giác già nua. Rồi phần râu của lân, truyền thống dùng đuôi ngựa, đuôi lân dùng lông thỏ, diện mạo hoàn thiện rất uy nghiêm, nhưng dùng vật liệu nhân tạo thay thế sẽ có giá thành rẻ, thần thái không so bằng được. Cách phối màu cũng là sự đầu tư, màu phải có hàm ý, sắc nét, không quá lòe loẹt, nét vẽ chỉn chu… mới tạo nên thần thái cho lân khi xuất động”.

Biểu trưng cho linh thú, nên thần thái của lân là chi tiết được các đoàn lân truyền thống chú trọng

Lấy truyền thống làm nền tảng

Tác tạo nên một đầu lân, hội tụ trong đó nét đẹp truyền thống, tôn chỉ của đoàn lân, lại phải phối hợp cùng xu hướng và nhu cầu hiện tại, Huỳnh Gia Lương coi đó là một thách thức: “Tôi tìm sự thay đổi, nhưng không rời cái gốc, nếu bỏ gốc thì mình không còn là mình. Khi chế tác đầu lân, tôi và huynh đệ bàn ý tưởng bài diễn, chẳng hạn việc tạo hình cho Tứ lân thần thú, tôi muốn cho người xem thấy được dáng hình của Thanh Long, Huyền Vũ, Chu Tước, Bạch Hổ trên nền lân. Nhưng khi tả Thanh Long, tôi không đưa cả con rồng vào mình lân, mà chỉ gợi bằng chi tiết trang trí, cùng tinh thần, màu sắc. Còn Huyền Vũ (hình tượng rắn quấn rùa), tôi dùng sắc trắng đen của thái cực, phối cả màu xám để nói lên ý cuộc sống không chỉ trắng đen mà còn có trung hòa”.

Theo Gia Lương, Huyền Vũ là linh vật dưới nước nên dùng hoa văn sóng nước, đao văn, hoa văn da rắn, hay đường hồi văn trên trán để nói lên ý nghĩa phú quý không đứt đoạn. Dòng hồi văn này còn một ý nghĩa khác của ngày xưa là các tướng quân khi ra trận thường dùng trang trí trên giáp bào, hàm ý ra chiến trường rồi sẽ quay trở lại. Mặt lân còn có hoa văn quy giáp, hàm ý chữ viết đầu tiên thể hiện trên giáp cốt văn. Chỉ một hình tượng lân, nhưng thông qua các chi tiết trang trí, biểu đạt nhiều ngữ nghĩa…, người xem có thể hiểu hơn về những nét văn hóa trên đó.

Dáng vẻ oai vệ của con lân Huyền Vũ do Huỳnh Gia Lương chế tác

Nghệ thuật biểu diễn cũng là một thách thức với nghề khi những đoàn lân sử dụng “địa bửu” (trận pháp múa lân dưới mặt đất) như Thắng Nghĩa Đường. Là người trong cuộc, Huỳnh Gia Lương lý giải: “Tôi và võ phái cũng nhiều lần bàn về hướng đi dài cho đoàn lân và quyết định không theo xu hướng chung mà chỉ muốn giữ lại truyền thống vốn có, từ đó triển khai thêm cho nhiều người biết đến chứ không phải thay đổi để mọi người biết đến. Do vậy, Thắng Nghĩa chú trọng phát triển văn hóa, giữ lại nguyên bản. Tôi quan niệm mọi thay đổi đúng đều có giá trị, quan trọng nhất là thay đổi đó phải đem lại cái tốt cho nghệ thuật múa lân”.

Những cấm kỵ trong nghề lân được gợi nhớ lại bằng những bài diễn do anh em Huỳnh Gia Lương dàn dựng công phu: “Đoàn lân chúng tôi diễn lại những quy luật cấm kỵ trong nghề. Ví dụ, 2 con lân khi gặp nhau ngoài đường không được chớp mắt lia lịa, không được leo lên nhau, không làm những động tác đưa chân vuốt râu, vuốt sừng, rửa – mài răng, liếm hoặc cắn đuôi… Những động tác mà ngày xưa nếu thể hiện tức là tỏ ý khinh thường, xem nhẹ đối phương, hai lân sẽ lao vào hỗn chiến phân thắng bại. Chúng tôi tái hiện thành bài diễn, để mọi người biết rằng nghệ thuật múa lân Chợ Lớn từng một thời như thế”. (còn tiếp)

Tác giả: Lam Phong

Theo Báo Thanh Niên

Bài viết liên quan