Thấy múa lân là thấy Tết

 

Thấy múa lân là thấy Tết

Bài dự thi Heritage Guide “Bước Xuân”
Người dự thi: Nguyễn Tuấn Huy
Hằng năm, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, tiếng múa lân lại rộn rã khắp nơi. Đối với người Việt, có lẽ múa lân đã là một biểu tượng của lễ hội, đặc biệt là Tết. Với riêng mình, tôi cảm thấy rất vui và tự hào, bởi không chỉ được thưởng thức phong tục này với vai trò khán giả, mà còn có cơ hội được trải nghiệm – tham gia biểu diễn loại hình nghệ thuật đặc sắc này, góp phần mang đến niềm vui Tết cho mọi người.
 
Tôi là Huy, học viên tại Đoàn lân sư rồng Thắng Nghĩa Đường – thuộc môn phải Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật. Với tôi, múa lân có lẽ là hoạt động không thể thiếu vào dịp Tết Nguyên Đán, Nguyên Tiêu… vì sau một năm dài, Tết là nơi anh em trong Đoàn được sum họp gặp nhau và vui cười, tiếng trống lân vang lên làm cho tất cả anh em ai nấy đều cảm thấy háo hức, tràn đầy năng lượng chuẩn bị cho tiết mục biểu diễn của mình. Vào những năm dịch bệnh Covid-19, dịp Tết Nguyên Đán không được nghe tiếng trống, không được xem và biểu diễn múa lân, tôi cảm thấy lạ lẫm và chán nản. Rất may mắn, sau khi đại dịch đi qua, tất cả anh em lại được sum họp, tập luyện và biểu diễn cùng nhau. Có thể nói, trải qua những ngày tháng trống trải đó, chúng tôi lại càng cảm thấy quý trọng hơn những dịp có thể cùng nhau kết hợp trình diễn như thế này.
Múa lân sư rồng là môn nghệ thuật lâu đời, gắn liền với phong tục, lễ hội của người Hoa, xuất xứ từ các tỉnh phía Nam Trung Quốc cách đây hơn nghìn năm. Ba linh vật lân – sư – rồng đều mang tính thần thoại, đại diện cho mong ước thịnh vượng, may mắn, xua đuổi điềm xấu cho gia chủ. Các bài múa “Địa bửu” như “Đại triển hồng đồ”, “Ngũ phúc lâm môn” với động tác truyền thống mang tính mạnh mẽ, dứt khoát, bộ pháp toát lên vẻ oai phong, uy nghi, dũng mãnh. Trong khi đó, “Thiên tài” lại gồm tất cả các trận pháp múa ở trên cao như: Lân lên mai hoa thung, lân leo cột… – thể hiện công phu võ thuật nổi tiếng bắt nguồn từ Thiếu Lâm. Bên cạnh múa lân, khán giả còn được thưởng thức múa sư – với hình tượng sư tử (Bắc Sư) rất oai vệ, uy mãnh cùng khả năng trừ tà, vượng tài. Đặc biệt, không thể không nhắc đến Rồng – một biểu tượng thuộc Tứ Linh: “Long – Lân – Quy – Phụng”. Múa rồng cũng mang ý nghĩa cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, làm ăn thịnh vượng. Một số điển tích về rồng phổ biến như: “Cá chép vượt vũ môn”, “Long sinh cửu tử”… cũng được tái hiện qua các màn biểu diễn vô cùng đặc sắc.
 
 
Theo chân người Hoa di dân sang Việt Nam, múa lân sư rồng giờ đây không còn là một môn nghệ thuật dành riêng cho cộng đồng Hoa kiều, mà còn trở thành một nét văn hoá – một phong tục không thể thiếu vào dịp Tết ở Chợ Lớn. Như một truyền thống, cứ đến cuối tháng Chạp hằng năm, các đoàn lân sư rồng thường tập trung ở Hội Quán Tuệ Thành để làm lễ Khai Quang Điểm Nhãn. Bản thân là một thành viên của đoàn lân sư rồng, được cùng mọi người tham gia biểu diễn phục vụ bà con vào dịp Tết, tôi cảm thấy thật sự phấn khởi và tự hào. Mỗi khi biểu diễn một tiết mục hay, đòi hỏi những động tác kỹ thuật khó, hoặc bị vấp ngã nhưng sau đó vẫn cố gắng “vực dậy” để hoàn thành bài diễn – chúng tôi lại nhận được những tràng pháo tay, những tiếng hò reo cổ vũ nhiệt tình từ khán giả. Có lẽ, đối với chúng tôi, đó mới chính là những phần thưởng, những phong bao “lì xì” quý giá nhất mà mọi người đã trao tặng cho anh em trong đoàn. Đó cũng là lời nhắc mà anh em chúng tôi thường được dặn dò, rằng sự tán thưởng, những bao lì xì được nhận… chính là “sự công nhận của khán giả, vì đã có những tiết mục hay và ý nghĩa mang lại cho người xem, là sự đánh đổi mồ hôi, công sức, thời gian và có thể là chấn thương mà mình đã bỏ ra để cống hiến, để làm cho tiết mục được thành công tốt đẹp”… Điều này cũng giúp chúng tôi cảm thấy tự tin hơn với công việc của mình – những nghệ nhân biểu diễn nghệ thuật mang tiếng cười, niềm vui cho mọi người vào dịp năm mới.
Bên cạnh việc tham gia biểu diễn múa lân, tôi còn được tham gia vào hoạt động truyền bá và phát triển du lịch thông qua giới thiệu văn hoá lân sư rồng truyền thống tại Thắng Nghĩa Tổ quán. Đây là nơi mà đoàn lân sư rồng Thắng Nghĩa Đường xây dựng nhằm bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống của môn phái về võ thuật, lân sư rồng, và tam nghệ Văn – Võ – Y. Đây cũng là nơi trưng bày các kỷ vật thể hiện quá trình phát triển của đoàn, đặc biệt là nơi tôn vinh các thành tựu nổi bật, trong đó không thể không nhắc đến 3 lần xác lập kỷ lục Việt Nam trong 2 năm liên tiếp. Trở thành sản phẩm du lịch của quận 11 từ đầu năm 2023, Thắng Nghĩa Tổ quán đã phối hợp với các đơn vị du lịch tổ chức thành công nhiều tour du lịch hấp dẫn như “Chợ Lớn by side”, “Chợ Lớn by night”, “Dấu ấn Thắng Nghĩa: Hoạ sư”, “Truyền thuyết niên thú”… Là một thành viên trong đoàn, tôi được phân công tham gia biểu diễn các tiết mục như “Tề Thiên Đại Thánh đại náo thiên cung”, lân lên mai hoa thung, múa lân dùng thân làm cầu… nhằm giúp khách tham quan hình dung rõ hơn về văn hoá lân sư rồng, đồng thời qua đó thể hiện được sự kỳ công tập luyện của các môn sinh – “một phút lên đài bằng mười năm khổ luyện”.

Những ngày Tết Giáp Thìn đã trôi qua thật nhanh, nhưng với tôi, những nụ cười, những khoảng thời gian được họp mặt cùng những người anh em ở Thắng Nghĩa Đường vẫn còn đọng lại. Hy vọng năm mới sẽ mang đến cho mọi người, mọi nhà thật nhiều sự bình an, may mắn. Còn với riêng mình, tôi mong rằng mỗi năm vẫn có thể cùng với anh em trong đoàn mang đến thật nhiều niềm vui cho mọi người mỗi dịp Tết đến, xuân về, để mọi người vẫn luôn “thấy múa lân là thấy Tết”!

Bài viết liên quan