Võ thuật Trung Hoa

Võ thuật Trung Hoa bác đại tinh thông, các môn các phái, muôn hình vạn dạng. mỗi môn phái đều có tinh túy riêng, thủ pháp và chiêu thức mang đặc trưng riêng. Sự hình thành từng môn phái có nhiều yếu tố liên hệ mật thiết đến nơi ở, thể trạng con người, thói quen sinh hoạt mang đặc thù của từng địa phương. Như có câu: “Nam Quyền Bắc cước”, đại đa số Nam phái sử dụng quyền là chính còn riêng Bắc Phái sử dụng cước làm chủ.

Tại sao lại có những phân biệt mang tính đặc thù của từng vùng như vậy là vì ảnh hưởng của địa điểm sinh sống và thói quen sinh hoạt của từng địa phương đó. ở phía Bắc Trung Quốc đa số là núi cao trập trùng, người dân có thói quen lên núi săn bắn, hái dược liệu nên tất yếu là sẽ sử dụng đôi chân rất nhiều. Còn địa hình miền Nam, sông ngòi ao rạch, ruộng lúa phì nhiêu, con người nơi đây chèo thuyền, làm ruộng rất giỏi nên việc sử dụng tay nhiều cũng là điều dễ hiểu.

Còn ví như các môn phái sử dụng phi đà, phi tiêu, độc dược thí dụ như Đường Môn, Ngũ độc thì sự hình thành môn phái cũng có nguồn gốc liên hệ mật thiết với địa điểm xuất xứ. Tỷ như Đường Môn, chuyên về phi tiêu ám khí, phi đà, vì môn phái ở tận đất Thục (Tứ Xuyên ngày nay), rừng sâu núi thẳm, khi đi săn bắn đa số là sử dụng phi tiêu hoặc phi đà để móc vào các nhánh cây vách đá. Còn như phái Ngũ Độc xuất xứ Vân Nam, người dân tộc thiểu số đa số là tập trung sinh sống tại đó, nhất là người Miêu tộc. Đặc thù địa lý nơi đây rừng thiên nước độc, đất đai cằn cỏi, kỳ trân dị thảo nhiều, rắn rết bò cạp nhiều nên hình thành ra môn phái cũng mang đặc tính như thế.

 


Có nhiều môn phái khi sáng lập cũng khá ngẫu nhiên và thú vị, cũng không kém phần bất ngờ. Họ tình cờ quan sát hình thái, chuyển động, cách săn mồi của các loài thú rừng sống trong tư nhiên, từ đó dựa vào hình mà tham thấu ra ý để sáng lập môn phái riêng. Nổi tiếng có thể kể đến như Ưng Trảo Môn (dựa vào hình của con chim ưng), Đường Lang Phái (mô phỏng theo hành động của con bọ ngựa),..

Hoặc giả có thể sử dụng nơi ở hoặc địa danh để làm tên của chính môn phái mình như các môn phái trong “Ngũ Nhạc Kiếm Phái” bao gồm ( Phái Tung Sơn, Phái Hằng Sơn, Phái Hoa Sơn, Phái Hành Sơn, Phái Thái Sơn). Ngoài ra còn phải kể đến Thanh Thành Phái, Điểm Thương Phái, Thiên Sơn Phái,… Đa số những môn phái này đều sử dụng kiếm rất giỏi, kiếm pháp cao thâm khó lường. Nổi danh hơn cả phải kể đến môn phái Hoa Sơn. Nghe đâu khi xưa, đến hẹn lại lên các cao thủ võ lâm hàng đầu đều tề tựu đến Hoa Sơn để tham gia đại hội “Hoa Sơn Luận Kiếm” mục đích không ngoài trừ việc nổi danh bốn phương, xưng hùng xưng bá.

Cũng có những môn phái ngoài việc luyện võ ra, mục đích của việc lập phái để giáo hóa chúng nhân, tu hành đắc đạo. Điển hình phải kể đến trung nguyên “Thái Sơn Bắc Đẩu” – Thiếu Lâm Tự hoặc Thiên Long Tự tận miền Đại Lý (thuộc Vân Nam – Tứ Xuyên ngày nay) xa xôi. Đó là hai môn phái điển hình theo Phật Giáo. Những môn phái theo Đạo Giáo cũng nhiều không kém thí dụ như các Phái Toàn Chân, Võ Đang, Nga Mi, Hằng Sơn, Thái Sơn,.. Riêng hai phái Nga Mi và Hằng Sơn thì chỉ chuyên thu nạp nữ đồ đệ.

Nếu đã kể đến võ lâm Trung Nguyên thì không thể nào bỏ sót các bang, các hội. Ngoài Cái Bang mang danh nghĩa chính phái ra, cũng xuất hiện Bang, hội chuyên lợi dụng danh tiếng thế lực để ức hiếp dân lành. Phần đông các bang hội này không có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng. Người sáng lập môn phái thu nạp tín đồ, đệ tử theo phương châm càng đông càng tốt thí dụ như Thiết Chưởng Bang, .. Hội thì không ngoài Thiên Địa Hội, Hồng Hoa Hội,… Thường những hội này thành lập không ngoài tiêu chí “Phản Thanh Phục Minh” mang hơi hướng hoạt động chính trị nhiều hơn là võ thuật.


Ngoài các yếu tố kể trên ra, việc ra đời các môn phái mang họ của người sáng lập cũng lắm gian nan và thú vị. Đáng kể đến là Quảng Đông “Ngũ Đại Danh Gia”, Hồng, Lưu, Thái, Lý, Mạc. Đa số những môn phái như thế tập trung tại miền Nam nhất là vùng Quảng Đông, Phật Sơn, nơi hội tụ nhiều môn phái và võ đường nhất. Ngoài ra, vùng Quảng Đông cũng lắm nhân tài về võ thuật, nỗi tiếng phải kể đến như cha con Hoàng Kỳ Anh, Hoàng Phi Hồng của Hồng Quyền (danh xưng “Quảng Đông Thập Hổ”), Trương Hồng Thắng, Đàm Tam của Thái Lý Phật, Lương Táng của Vĩnh Xuân, Mạc Thanh Kiêu của Mạc gia quyền…

Lý do tại sao từ trước thời kỳ Mãn Thanh chỉ nghe thấy những danh xưng như, Thiếu Lâm, Võ Đang, Nga Mi, Không Động, Đường Môn,… mà chưa từng nghe đến những môn phái như Hồng Gia, Châu Gia, Vĩnh Xuân, Thái Lý Phật,… Đó là vì sau khi Vua Càn Long hỏa thiêu Nam Thiếu Lâm, tục gia đệ tử chạy loạn khắp nơi. Nhưng khi họ truyền dạy võ nghệ lại không dám tự xưng là đệ tử Thiếu Lâm nên đành phải dùng họ mình để thành lập võ phái. Thí dụ như Hồng Hy Quan (Thiếu Lâm tục gia đệ tử) thì lập Hồng Gia quyền, Nghiêm Vịnh Xuân (Đồ đệ của Ngũ Mai Sư Thái) thì lấy hiệu là Vịnh Xuân Quyền,…

Môn phái Thái Lý Phật cũng ra đời trong bối cảnh như thế. Nhưng tại sao lại có tên gọi lạ như vậy là vì thủy tổ của môn phái là Trần Hưởng và Trương Hồng Thắng do bái ba vị cao nhân của ba phái Thái Gia Quyền (Thái Phúc), Lý Gia Quyền (Lý Hữu Sơn) và Phật gia (Thanh Thảo Thiền Sư) mà dung hòa thành môn phái mới.

 

英棍飞腾龙摆尾
雄拳放出虎昂头
蔡拳李马佛家掌
揚名勝義蔡李佛

 

 

Anh côn phi đằng long bãi vĩ
Hùng quyền phóng xuất hổ ngưỡng đầu
Thái quyền, Lý mã, Phật gia chưởng
Dương danh Thắng Nghĩa Thái Lý Phật

 

Đoàn Lân Sư Rồng Thắng Nghĩa Đường thuộc môn phái Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật. Thái Lý Phật có nguồn gốc xuất xứ từ cuối đời nhà Thanh tại vùng Quãng Đông Trung Quốc. Thái Lý Phật là môn phái kết hợp tinh túy của ba đại môn phái thời bấy giờ, Thái gia, Lý gia và Phật gia. Thái Lý Phật ra đời với nguyên lý sử dụng và dung hòa mã bộ của Thái gia, quyền pháp của Lý gia và chưởng pháp của Phật gia.

Thái Lý Phật du nhập vào Việt Nam từ đầu những năm 30 của thế kỷ trước. Thái Lý Phật khi du nhập vào Việt Nam chia ra làm hai nhánh chính. Một nhánh do cố lão võ sư Trần Nhất Minh thuộc Trần Gia Hùng Thắng Thái Lý Phật mở võ đường tại đường Đỗ Ngọc Thạnh (Lý Thành Nguyên) Q.11. Nhánh còn lại do cố lão võ sư Đặng Tây (Đặng Văn Thành) truyền dạy tuyệt kỹ Bắc Thắng Thái Lý Phật tại khu Chợ Thiết, Q.11.

 

 

 

Đến năm 1979, Cố Lão võ sư Đặng Tây sáng lập Đoàn Lân Sư Rồng Thắng Nghĩa Đường mở ra một trang mới trong công tác duy truyền và phát triển võ phái Thái Lý Phật tại Việt Nam. Tên gọi của Thắng Nghĩa Đường mang một ý nghĩa rất sâu sắc với tôn chỉ “Nghĩa bất hậu nhân” – Làm việc nghĩa không sau người và làm việc nghĩa phải hơn người như hai câu thơ:

 

“Thắng oai võ dũng dương tứ hãi
Nghĩa khí ân đức chấn ngũ hồ”

Đoàn Lân Sư Rồng Thắng Nghĩa Đường khi thành lập đến nay hoạt động chủ yếu tại TP.HCM trực thuộc Trung Tâm Thể Dục Thể Thao Quận 5. Hiện hoạt động và giảng dạy tại câu lạc bộ Lệ Chí, số 7 đường Hãi Thượng Lãng Ông, Q.5. Sau khi Cố Lão Võ Sư Đặng Tây mất, truyền lại cho ái đồ Huỳnh Chí Dân tiếp quản và duy trì cho đến hiện nay.

 

 

Trí tang bồng

Hổ trọng ngoại bì nhân trọng tánh
Khí khái nam nhi nan tương sánh
Nhân nghĩa trí tín thân dư hữu
Hào khí xung thiên thỏa tang bồng

                                                                              Huỳnh Gia Bửu

Bài viết liên quan